top of page
Tìm kiếm

DẪN NHẬP VĂN MINH


Trong xã hội có sự phân chia giàu nghèo quá lớn như hiện nay, người nghèo quá bận rộn mưu sinh, một ngày dài lao động vất vả đã rút cạn sức lực và thời gian khiến họ hiếm khi có cơ hội để bồi dưỡng kiến thức và tinh thần của mình. Đôi khi việc đơn giản là đọc một cuốn sách cũng trở thành một việc xa xỉ. Cứu cánh duy nhất có lẽ là những lời rao giảng thâm sâu của cao nhân online nào đó xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội mà khó có thể biết được tác giả thực sự là ai vì người đăng ít khi trích nguồn. Các cao nhân này thường mượn lời hay ý đẹp của người khác để thu hút sự chú ý cho bản thân mình.


Trái lại, những người có đời sống tưởng chừng dư dả giàu có lại đắm chìm trong các hoạt động thụ hưởng vật chất khác, họ mải miết với những thú vui xa hoa của mình nên cũng chẳng mấy khi quan tâm đến sách vở hay các hoạt động tinh thần đúng nghĩa khác. Thỉnh thoàng họ cũng giết bớt thời gian rảnh rỗi bằng những mảnh vụn triết lý cao thâm trên mạng. Tuy nhiên những mảnh vỡ triết học như vậy không thể lấp đầy các khiếm khuyết trong nhận thức của con người mà nó còn tạo ra những cái nhìn phiến diện, xa lìa tổng thể. Điều này lại càng làm cho người ta có những cái nhìn sai lạc về những vấn đề tưởng chừng như mình đã hiểu rất rõ. Việc này cũng giống như uống thuốc mà không theo chỉ định của bác sỹ, không những không hết bệnh mà còn tạo ra các phản ứng nguy hại ngoài mong đợi.


Nền văn minh của con người phát triển qua hàng ngàn năm với sự xuất hiện của rất nhiều triết lý và tư tưởng từ Đông sang Tây, tất cả đều hướng về việc đưa cảnh giới tinh thần của con người đến gần với sự lương thiện. Duy chỉ từ thế kỷ 19 đến nay, trong khoảng 200 năm, sự trỗi dậy của học thuyết thiên về vật chất, vô thần lại cho rằng vật chất quyết định ý thức. Tiền đề của học thuyết này phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của các hoạt động tinh thần, chẳng khác nào một liều thuốc đầu độc tinh thần con người, biến họ thành nô lệ cho các ham muốn vật chất. Nó làm cho họ mục rỗng từ bên trong, sống như một cái xác không hồn, mặc cho người khác thao túng và điều khiển. Một người muốn tự chủ cuộc đời của mình cần có đầy đủ ý thức, nhận thức và các điều kiện vật chất. Do vậy một cái nhìn hoàn chỉnh phải bao gồm các hoạt động về ý thức, nhận thức và vật chất. Các yếu tố này tương sinh tương hỗ, con người sẽ không tồn tại được nếu thiếu một trong hai, không cái nào quyết định cái nào, có khi cái này nắm phần chủ động nhưng cũng có lúc cái khác nắm phần quyết định. Tuỳ thời tuỳ cảnh mà hai thứ chuyển đổi vai trò cho nhau để giúp đời sống con người được toàn vẹn.


Rất nhiều người trong xã hội hiện đại hay nói về văn minh, nhưng phần lớn đều hiểu văn minh là các yếu tố vật chất, làm cho con người sung sướng với các khoái lạc vật chất đơn thuần. Nhưng như tôi đã nêu ở trên văn minh của con người phải gồm cả hai yếu tố tinh thần và vật chất. Khi bàn về văn minh một tác gia và cũng là một nhà tư tưởng Nhật Bản sống ở thế kỷ 19 là ông Fukuzawa Yukichi cũng đã để lại một tác phẩm “Bàn về Văn Minh”, một chủ đề nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để hiểu được nó đầy đủ ta cần phải xem xét nhiều khía cạnh bao gồm văn hóa, chính trị, kinh tế, lịch sử. Với nhiều khía cạnh đan xen như vậy, đòi hỏi người đọc cũng cần phải có một tinh thần học hỏi rộng mở nên vị tác gia này còn để lại một tác phẩm khác là “Khuyến học”, như một bệ đỡ nâng bước cho những ai muốn khám phá và nâng cao giá trị bên trong của mỗi người. Cá nhân tôi nhận thấy, để mọi người có thể sống chung vui, bình yên trên trái đất này thì việc tự học hỏi cái hay đẹp của các luồng tư tưởng và triết lý từ cổ chí kim, không phân biệt Đông Tây, không cố chấp bám víu cố định vào một lý thuyết nào đó mới là con đường giúp chúng ta đạt đến đời sống văn minh lành mạnh về tinh thần lẫn vật chất.


Hai cuốn sách tôi đề cập ở đây, tuy hay nhưng ta vẫn luôn nên nhớ rằng bất cứ tác giả nào cũng đều là con người, nên tác phẩm của họ cũng chứa đựng điều đúng và không đúng do tư kiến riêng của mỗi người vì các hạn chế về địa lý, đời sống sinh hoạt xã hội trong thời đại mà họ sinh sống. Vì vậy có nhiều điều có thể đúng trong thời điểm đó, nhưng lại sai lạc so với thời đại mà thông tin liên lạc phát triển như ngày nay. Cho nên khi đọc sách cũng không nên làm nô lệ cho sách vở.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


CẢM ƠN BẠN!

bottom of page