Hunter X Hunter là một trong những bộ truyện tôi đọc lúc nhỏ. Vào những năm 199x thì việc đọc truyện dài tập rất hay bị gián đoạn, phần nhiều là vì các NXB lúc đó không có bản quyền để phát hành. Bản thân tôi cũng không có đủ điều kiện để đọc được trọn vẹn bộ truyện này. Thời điểm đó thì bộ truyện dừng lại ở phân đoạn các Hunter đấu với loài Chimerian Ant. Có lẽ sự gián đoạn này lại là một điều tốt, vì sau này khi đến giai đoạn U40, tôi lại có dịp đọc lại bộ truyện này một cách đầy đủ trên một ứng dụng truyện tranh với phần nội dung đã được dịch sang tiếng Anh.
Cảm quan của một người U40 giúp tôi nhận ra đây không phải là một bộ truyện dành cho tuổi thanh thiếu niên, mặc dù nét vẽ có phần hồn nhiên trong sáng, nhưng phần sau của bộ truyện này chứa đựng nhiều yếu tố chỉ những người thực sự trưởng thành mới hiểu được. Suy nghĩ này của tôi càng được củng cố hơn sau khi xem trọn bộ phiên bản Anime của Hunter X Hunter trên Netflix, bản Anime này không có phụ đề tiếng Việt nên sẽ khá khó cho một số người xem hiểu được nội dung phim.
Cá nhân tôi thấy bản phim trên Netflix có phần hay và dễ hiểu hơn so với truyện. Chính cách thể hiện của đội ngũ làm phim đã lột tả được hết rất nhiều ý nghĩa về nhân sinh quan và vũ trụ quan mà tác giả truyện muốn gửi đến độc giả trong nội dung truyện của mình. Thông qua các trận chiến giữa các cao thủ (bao gồm người và các sinh vật suy nghĩ như người) sử dụng Niệm Lực (Nen) ở nhiều cấp độ khác nhau từ nhẹ nhàng cho đến mức vô cùng tàn bạo, mà người xem sẽ học hỏi được nhiều điều về các khái niệm căn bản của Phật Đạo. Nghe có vẻ lạ phải không?
Đa phần chúng ta vẫn sẽ bị cuốn vào những pha đánh đấm, tìm ra ai là kẻ mạnh nhất trong số các nhân vật. Nhưng càng xem phim ta lại càng nhận ra rõ rằng, không có ai là kẻ mạnh nhất bởi vì ưu điểm nổi trội của người này lại dễ dàng bị người khác có đặc tính khắc chế khuất phục. Điều này nhắc chúng ta về thuộc tính Ngũ Hành tương sinh tương khắc, các yếu tố vừa bổ sung vừa khắc chế lẫn nhau, chính cơ chế này giữ cho vũ trụ, trái đất, vạn vật luôn vận hành theo đúng quy luật và cân bằng.
Tác giả Togashi đã rất tinh tế và khéo léo trong việc dẫn dắt người xem từng bước đến với thiền (Zen) và niệm (Nen). Nếu người xem để ý kỹ sẽ thấy phương pháp rèn luyện Niệm Lực (Nen) mà những người thầy truyền thụ cho Gon và Killua phần lớn là đứng yên, hoặc ngồi yên trong một thời gian dài để tăng cường sức mạnh của Niệm (Nen). Đó là phương pháp rèn luyện nội tâm của những người tu hành theo Phật Đạo thông qua Thiền Định (Meditation hoặc Zen). Trong những lúc đứng yên, ngồi yên đó cũng là lúc Gon, Killua tự xem xét lại điểm mạnh yếu của mình và phát minh ra những tuyệt chiêu phù hợp với đặc tính cá nhân riêng của mình. Nói một cách khác hai cậu bé này đang thực hành Quán Chiếu (Review / Reflex).
Về cơ bản ta có thể thấy rằng nội tâm càng vững mạnh, năng lượng sống càng dồi dào, đó chính là ý nghĩa trong việc tu luyện niệm lực của hai nhân vật chính Gon và Killua để đối đầu với những thử thách cam go trong hành trình phiêu lưu của mình.
Comentários