Đây là câu hỏi tôi tự hỏi nhiều lần khi nhìn vào các game mobile trên Google Play và Apple Store. Giai đoạn đầu trên các store là các game mobile premium được đưa lên store đầy đủ nội dung hoặc dưới dạng bản chơi thử, ai thích game đó sẽ trả tiền để trải nghiệm đầy đủ nội dung.
Sau đó freemium ra đời cùng với mạng xã hội, người chơi không còn phải trả tiền game mà trả tiền mua vật phẩm trong game, cơ chế này cũng tương tự các game online trên máy tính, nhưng nó đặc biệt được chú ý cùng với sự phát triển của mạng xã hội Facebook với tính năng mời bạn bè tham gia, điển hình thành công của mô hình này là nhà phát triển game Zynga với Farm Ville, và sau này là King với Candy Rush Saga. Tôi vẫn còn nhớ cái thời, ai làm game trên điện thoại cũng phải tích hợp tính năng mời bạn của Facebook như một phần bắt buộc. Sau này Google cũng đẻ thêm một cái tương tự vậy.
Đối với hãng game đông người, chuyện tích hợp mạng xã hội không là vấn đề, đối với cá nhân làm game đúng là cực hình. Công đoạn chán nhất có lẽ là tích hợp chức năng login và share, mời bạn bè. Thực sự như một gánh nặng trong việc phát triển game, thay vì tập trung vào nội dung game thì phải loay hoay nghĩ cách xây dựng chức năng để tận dụng mạng xã hội, cuối cùng tạo ra một game không đến đâu.
Khi cơn sốt "mời bạn" qua đi vì quá nhiều người lên tiếng do bị làm phiền bởi chức năng mời bạn. Đến lượt mình, Google lại đẩy ra tính năng quảng cáo, thế là mô hình chơi miễn phí (Free to Play) xuất hiện, giờ mọi người lại đua nhau gắn quảng cáo vào game. Người dùng không phải trả tiền chơi game, thay vào đó là bắt buộc xem quảng cáo. Các nhà phát triển game lại căng đầu nghĩ cách gắn quảng cáo sao cho khoa học, làm game gây nghiện để mọi người vào chơi xem quảng cáo. Bao nhiêu chất xám, tư duy công sức, bao gồm cả nghiên cứu hành vi chỉ để gây nghiện cho người dùng và kiếm tiền từ quảng cáo. Và không chỉ một mình Google cung cấp api quảng cáo, còn rất nhiều nhà quảng cáo khác cũng đưa ra api riêng của mình.
Dù biết là ai cũng cần có chi phí trang trải cho công cuộc phát triển game của mình. Ai cũng muốn lấy ngắn nuôi dài, nhưng rồi cái ngắn mà chúng ta theo đuổi bao nhiêu phần trăm nuôi được dài, hay chúng ta đang làm nô lệ cho các platform quảng cáo thay vì sáng tạo nội dung chúng ta mong muốn. Có lẽ điều điên rồ nhất mà tôi từng chứng kiến đó là chạy quảng cáo cho một game kiếm tiền từ quảng cáo.
Xuất phát điểm ban đầu của mỗi một game developer đều từ những tựa game gây ấn tượng mạnh với họ, và đưa họ đến với cuộc hành trình này. Nhưng cuối cùng sự nghiệp của họ lại bị dẫn dắt bởi các platform quảng cáo, trong đó có lẽ khu vực châu Á là nơi mà các game quảng cáo được tạo ra nhiều nhất.
Nếu nhìn nhận game như một tác phẩm văn học hoặc điện ảnh thay vì một trải nghiệm ngắn hạn có lẽ phương pháp phát triển game sẽ đổi khác. Hy vọng sẽ không phải làm nô lệ quảng cáo cho Facebook hay Google hay bất cứ platform quảng cáo nào và chỉ đơn giản là làm game.
Comments