top of page
Tìm kiếm

NGỘ KHÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG – P7


ĐẠI CHIẾN HỒNG HÀI NHI


Hôm nay tôi lại tiếp tục tìm kiếm ý nghĩa ẩn tàng đằng sau những chương truyện Tây Du Ký. Thực sự có nhiều điều tôi đã có thể hiểu được nhưng để viết ra cho đầy đủ rất khó. Ban đầu những ý nghĩa đó giống như một tia sáng nhỏ lóe lên trong đầu, nhưng để diễn đạt đầy đủ không phải muốn là làm được ngay. Cần phải có một khoảng thời gian không nghĩ đến nó, cho đến khi mọi ý tưởng và chi tiết ập đến tạo nên một thôi thúc đủ lớn buộc mình phải ghi chép ra, đó mới chính là lúc có được một bài viết diễn tả đầy đủ những gì mà tôi đúc kết được.


Chủ đề lần này sẽ nói về trận đại chiến giữa Ngộ Không và Hồng Hài Nhi. Đa số chúng ta đều nhớ lần chạm trán này giữa Đại Thánh và yêu quái Hồng Hài Nhi. Ai cũng nghĩ rằng một yêu quái nhỏ bé như Hồng Hài Nhi làm sao có thể kháng cự lại nổi một Tề Thiên Đại Thánh lừng lẫy một thời làm cho cả thiên đình chấn động. Tại sao năm trăm năm trước, một kẻ khiến cho quỷ thần khắp nơi phải kiêng dè vậy mà từ lúc phò tá Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh lại trở nên yếu ớt hơn xưa. Có ai từng tự hỏi câu này khi xem phim hay đọc truyện không?

Trong lần chạm trán với Hồng Hài Nhi, ba lần bảy lượt Ngộ Không đều bị Tam Muội Chân Hỏa của hắnkhiến cho phải bỏ chạy thoát thân. Hồng Hài Nhi tuy hình dáng là một đứa trẻ nhưng lại là một đại ma vương đáng sợ. Ngay từ tên gọi cũng đã nói lên tính chất của hắn, “hồng” là màu đỏ tượng trưng cho lửa, hài nhi là một đứa bé, có thể hiểu ý nghĩa ẩn dụ ở đây là một đốm lửa nhỏ. Nếu chỉ là một đốm lửa nhỏ thông thường thì sao có thể làm khó được một hỗn nguyên chân thánh như Ngộ Không. Người từng ăn ngủ trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân bốn mươi chín ngày, dù đắm mình trong ngọn lửa luyện đan khủng khiếp đó không những không chết mà còn có thêm cả Hỏa Nhãn Kim Tinh, vậy mà đại bại dưới ngọn lửa nhỏ bé này. Ba anh em Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng cứ nghĩ dùng ngũ hành tương khắc là có thể dập tắt được tên ma đầu này, nhưng trái lại Tam Muội Chân Hỏa của hắn đến ngay cả nước của các vị Long Vương không những không dập tắt được mà còn khiến nó cháy to hơn. Tam Muội Chân Hỏa quả thực là ngọn lửa chân chính có sức tàn phá khủng khiếp nhất thế gian vượt ra khỏi ngũ hành tương sinh tương khắc.

Các diễn biến trong truyện Tây Du Ký không lý giải nguyên do, nguồn gốc của những chi tiết hay thắc mắc như tôi đã nêu trên. Chính vì lẽ đó nó tạo ra cho độc giả sự tò mò, và phải tự tìm hiểu suy nghĩ để hiểu được các hàm ý trong đó. Có lẽ cách đây mấy trăm năm, những ai có thể đọc hiểu các tác phẩm bằng chữ Nho hay tường tận giáo lý của Phật đạo sẽ dễ dàng hiểu được. Tuy nhiên vào xã hội ưa chuộng hình thức bên ngoài hiện nay của chúng ta, không có mấy người hiểu được sự tinh túy bên trong Phật pháp, nên việc hiểu được tác phẩm Tây Du Ký sẽ rất khó khăn. Dù vậy tôi cũng sẽ cố gắng dùng hiểu biết thô lậu của mình để diễn giải phần nào những gì tôi cảm nhận được về nguyên nhân thất bại của Đại Thánh khi đối đầu Hồng Hài Nhi.

Thực ra để hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng quay lại phần cơ bản của triết lý Phật đạo khi nói về các yếu tố cấu thành thân xác của các loài sinh vật. Chúng ta thường hay nghe nói về “thân tứ đại”, nghĩa là thân xác của con người cấu thành bởi bốn yếu tố đất, nước, lửa và không khí. Ở đây có hơi khác với thuyết ngũ hành của Chu Dịch, tuy nhiên cả hai cũng chỉ là biểu hiện khác nhau của cùng một triết lý. Đối với Chu Dịch, ngũ hành cấu thành nên vạn vật. Còn Phật đạo tập trung vào giải thoát cho con người ra khỏi đau khổ, nên dùng “thân tứ đại” để nói về cấu tạo của con người. Đương nhiên đây là những kiến giải cách đây mấy ngàn năm để cho con người thời đó dễ hiểu. Ngày nay khoa học với phương tiện hiện đại có thể lý giải theo cách khác, tuy nhiên nó cũng sẽ không xa rời những điều cơ bản này, mà chỉ giải nghĩa theo kiểu chia nhỏ đi sâu hơn ở mức tế bào hay nguyên tử là thứ cấu thành vật chất. Và vật chất thì cũng sẽ là những thứ như trong “ngũ hành” hay “thân tứ đại” mà thôi.

Quay trở lại với thân tứ đại, trong bốn yếu tố cấu thành xác thân của sinh vật thì đất, nước, không khí dễ cho chúng ta hình dung và liên tưởng bởi vì chúng liên hệ trực tiếp đến sự sống còn của muôn loài trên trái đất. Nhưng còn yếu tố lửa thì sao? Nếu dùng con mắt của nhà khoa học hiện đại thì không thể nào lý giải nổi lửa lại là yếu tố cấu thành nên con người, bởi vì họ chỉ nghiên cứu phần vật chất. Tuy nhiên, khi chuyển qua dùng lăng kính của Phật đạo, lửa là hình ảnh ẩn dụ để nói về tâm tính con người. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta hay dùng từ “nóng giận” để nói về cảm giác của bản thân hay phản ứng của một người khác. NÓNG GIẬN là một từ ghép có chứa hai yếu tố quan trọng đó là cảm giác NÓNG được sinh ra từ lửa GIẬN. Ngọn lửa giận này chính là Tam Muội Chân Hỏa của Hồng Hài Nhi, một ngọn lửa mà không thể bị dập tắt bởi nước, vì nó là lửa giận trong tâm của con người sinh ra, nó vô hình không thể thấy trực tiếp bằng mắt thường hay thiết bị khoa học. Để biết được một người đang có lửa giận trong người không thể nhìn bằng mắt là biết ngay, mà là một quá trình quan sát, lắng nghe và tổng hợp rất phức tạp đòi hỏi rất nhiều trí tuệ. Có thể quá trình nhận diện này đối với chúng ta chỉ diễn ra trong tích tắc, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều giác quan phải vận động cùng một lúc để gửi tín hiệu về cho não xử lý, đồng thời não bộ phải kết hợp những tín hiệu này với những hiểu biết về tính cách, cử chỉ, âm vực, tình trạng sức khỏe, v.v… của người đang đứng trước mặt để đưa ra kết luận là người đó có đang nóng giận hay không và ở mức độ nào.

Cơn nóng giận của con người cũng như là một ngọn lửa với những mức độ biểu hiện khác nhau. Ở mức độ nhỏ thì chỉ đơn giản là dỗi hờn, im lặng, làm thinh. Khi nó lớn hơn một chút thì mắng chửi, dùng những lời lẽ khó nghe để nhục mạ người khác, v.v… Nếu bùng to hơn nữa thì dẫn tới bạo lực, có thể gây ra cảnh chém giết lẫn nhau, cốt nhục tương tàn, đảo lộn mọi luân thường đạo lý. Cho nên nhà Phật mới có câu “một cơn lửa giận thiêu rụi cả một rừng công đức” là như vậy. Chúng ta dù cho có ăn hiền ở lành tới đâu đi nữa, nhưng chỉ một phút không kiềm chế sự tức giận của bản thân thì mọi điều tốt đã làm đều trôi sông trôi biển, lãnh nhận các kết quả không mấy tốt đẹp. Nhẹ thì nhà tan cửa nát, nặng thì gây ra những cảnh “gió tanh mưa máu” như trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung.

Một người nóng giận đi gây đau khổ cho bao nhiêu người khác, rồi người bị ức hiếp cũng đau khổ bực tức tìm cách báo oán trả thù lại người đã làm mình đau khổ nhưng lại vô tình gây hại thêm cho những người không liên quan. Chỉ một sự nóng giận nhỏ thôi mà tạo thành một vòng tròn hủy diệt không bao giờ ngừng, nên mới có câu “oan oan tương báo bao giờ mới dứt”. Con người khi nóng giận, cũng như là Ngộ Không bị Tam Muội Chân Hỏa đốt, bực bội không ngừng. Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng Ngộ Không trong Tây Du Ký chính là tâm trí của con người, lúc bình thường sẽ rất linh hoạt, sáng tạo, hoạt bát, vui vẻ. Nhưng khi bị ngọn lửa sân hận thiêu đốt thì tâm trí mê mờ, dễ dẫn đến những hành vi sai trái dễ tạo ra những hậu quả tàn khốc, mà chỉ đến khi cơn nóng giận qua đi đầu óc tỉnh táo lại thì hối hận đã muộn.

Nói tới đây chắc ai cũng hiểu được Tam Muội Chân Hỏa của Hồng Hài Nhi lợi hại như thế nào. Tuy dữ dội, hủy diệt là vậy, nhưng không phải không có cách điều trị. Ngộ Không sau khi chấp nhận thất bại trước lửa Tam Muội, đã chạy đến Nam Hải cầu cứu Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngọn lửa sân hận gặp phải nước Cam Lộ của Bồ Tát Quán Thế Âm lập tức dịu lại. Ma vương Hồng Hài Nhi tuy có Tam Muội Chân Hỏa nhưng cuối cùng phải quy phục, xin theo pháp môn giới hạnh, trở thành Thiện Tài Đồng Tử theo Quán Thế Âm Bồ Tát học đạo. Đoạn hàng phục yêu quái này trong Tây Du Ký rất ngắn, nhưng ý nghĩa nó để lại chính là phương pháp giúp chúng ta chế ngự sự tức giận luôn thường trực trong mỗi người. Đó là học theo đạo hạnh của Quán Thế Âm Bồ Tát, đạo hạnh lớn nhất của ngài chính là đế thính, nghĩa là lắng nghe bằng tâm từ bi không phán xét. Cho dù người trước mặt có là kẻ thù không đội trời chung, hay kẻ đại gian ác đáng ghét muôn ngàn lần, ngài cũng vẫn lắng nghe họ mà không phán xét. Bởi vì sâu thẳm bên trong họ là những nỗi khổ đau chất chứa không giải thoát được vì không được ai lắng nghe chia sẻ.


Để kết lại chủ đề này, tôi xin giới thiệu một tựa sách có tên gọi là “GIẬN” do thiền sư Thích Nhất Hạnh viết rất chi tiết về phương pháp nhận diện và điều trị ngọn lửa sân hận hay Hồng Hài Nhi đang tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Mỗi một người bớt khổ sở vì lửa giận của bản thân thiêu đốt là thế gian sẽ bớt bị ma vương Hồng Hài Nhi cai trị. Chúc mọi người một năm mới mạnh mẽ như cọp, nhưng hiền như mèo.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


CẢM ƠN BẠN!

bottom of page