Nhân loại ngày nay thường nói chết là hết. Nhưng thực sự chết có phải là hết hay không? Nếu chết là hết thì sao chúng ta phải sợ, cái chết có gì đáng sợ mà đến mức nhiều người còn không dám nhắc đến hoặc phải dùng từ ngữ khác thay thế để né tránh khi nói đến cái chết. Không ai thực sự biết điều gì xày ra khi mình chuyển qua trạng thái chết bỏ xác, vì từ trước đến nay không có ai trở về từ cõi chết mà kể lại cho những người khác biết. Trí não con người vốn hay sợ hãi với những gì mới lạ, những thứ mà người ta không biết và hiểu rõ về nó. Nếu so sánh hai thân người, một sống, một chết thì cái gì ở bên trong tạo ra sự khác biệt, câu trả lời chỉ có thể là linh hồn. Thân xác như là một cỗ máy, mà linh hồn là hệ điều hành điều khiển cho cỗ máy xác thân biết đi, đứng, nằm, ngồi, nói cười, sinh hoạt. Cho nên người ta mới gọi xác người chết là xác không hồn.
Có những cái chết rất đau đớn do bệnh tật hành hạ, do tai nạn xe cộ và hàng ngàn lý do khác, nhưng cũng có những cái chết nhẹ nhàng tựa như đi vào giấc ngủ. Cũng mang xác thân con người nhưng kết cục khác nhau. Sự khác biệt về linh hồn của người có tội và người lương thiện, hoặc người đức độ cao siêu cho ra kết quả khác nhau khi chuyển đổi trạng thái từ sống thành chết.
Khi chết thì cái xác ở lại, còn hồn chúng ta đi đâu? Đường về trời, giải thoát mỗi tôn giáo lại có những danh từ khác nhau như về cõi Thần, Tiên, Thánh, Thiên Đàng hay Niết Bàn, v.v… nhưng con đường đau khổ thì hầu như đều chỉ về một hướng là xuống địa ngục. Cá nhân tôi nghĩ đa số chúng ta sợ cái chết không phải bản thân của sự chết mà là những gì linh hồn chúng ta phải đối diện sau khi chết, khi tự mình phải gánh các hình phạt nơi địa ngục. Bản thân cái chết chỉ là sự chuyển đổi trạng thái không có gì đáng sợ. Cho nên để giải tỏa sự sợ hãi này chúng ta cần phải tìm hiểu một thứ, đó chính là Địa Ngục.
Hiểu rõ về Địa Ngục thì mới biết cách lên thiên đàng. Chính vì không hiểu rõ địa ngục, không biết sợ, nghĩ rằng không có nhân quả, nên con người sa đọa, không một tội ác nào mà không dám làm, tưởng rằng việc mình làm thần không biết quỷ không hay. Tưởng mình có thể dùng quyền lực thế gian để trốn thoát khỏi mọi tội lỗi mà mình gây ra, luật dương gian có thể sai trái vì nó được vận hành bởi con người, nhưng luật địa ngục rất công bằng và nghiêm khắc kẻ ác không bao giờ thoát khỏi sự trừng phạt của thiên lý. Bởi vì thế gian là nơi chốn tạm thời, là lớp học để hoàn thiện linh hồn, tiền bạc vật chất quyền lực danh vọng của thế gian cũng như rác rưởi nơi âm cảnh, hoàn toàn không có tác dụng. Những kẻ ác nếu không biết sám hối tội lỗi, bỏ ác làm thiện khi còn thân xác, khi lâm chung hồn đọa địa ngục sẽ không thể tránh khỏi các hình phạt thảm khốc. Sống ở thế gian thì chỉ nên sợ một điều, đó là sợ mình trở thành người xấu, bởi vì địa ngục không có chỗ cho người lương thiện.
Trên đây là một trong nhiều ý rất hay mà tôi học được sau khi đọc cuốn Địa Ngục Du Ký. Đây là một quyển sách rất kỳ diệu, giải đáp rất nhiều thắc mắc của nhiều người cho câu hỏi sau khi chết chúng ta đi về đâu. Có một điều tôi có thể chắc là ai cũng có khả năng tự cải thiện số mệnh của chính mình bằng cách sữa chửa sai lầm, địa ngục hay thiên đàng là do tâm của chúng ta tự tạo ra. Nếu không có kẻ làm ác thì Thượng Đế không bao giờ phải tạo ra Địa Ngục để giáo huấn chúng sanh, Ngài Địa Tạng và các chư vị khác cũng không phải vất vả trông coi nhà ngục này để cải tạo các linh hồn sa ngã. Hy vọng mỗi người cũng sẽ tự rút ra được bài học cho chính mình sau khi đọc quyển sách này.
Comments